Tin tức
Đình An Hải (Đình An Thị)
Sau đây là video Số hóa địa chỉ đỏ do các bạn đoàn viên thanh niên trên địa bàn quận Sơn Trà xây dựng, mời quý bạn đọc cùng xem và theo dõi một số thông tin của Đình
https://www.facebook.com/watch/?v=1019921365836367&_rdc=2&_rdr
1. Tên gọi: Đình An Hải, hay còn gọi là đình An Thị do dân địa phương gọi theo tên khối phố hiện nay
2. Địa điểm phân bố di tích, đường đi đến:
Đình An Hải hiện nay thuộc khối An Thị, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
Để đi đến di tích, có thể đi bằng các phương tiện ô tô, mô tô…
Từ trung tâm thành phố đi qua cầu sông Hàn, rẽ phải xuống đường Trần Hưng Đạo, rồi rẽ trái và đi khoảng 200m thì đến di tích đình An Hải. Đình An Hải nằm phía Đông đường Trần Hưng Đạo, mặt đình nhìn về hướng Tây.
3.Sự kiện, nhân vâth lịch sử:
Theo truyền khẩu của các cụ cao niên ở địa phương, người có công đầu trong việc khai phá, lập làng An Hải là một phụ nữ có tên gọi là Bà Thân. (Tên của bà trở thành địa danh cho một vùng đất sát ven sông Hàn, về sau gọi chệch thành Hà Thân. Ngày nay, tại phường An Hải Tây, có một ngôi chợ người dân thường gọi chợ Bà Thân hoặc Hà Thân). Bà là một lưu dân từ phía Bắc vào lập làng từ thời vua Lê Thánh Tông lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam (năm 1471).
Ra đi theo con đường Nam tiến, bà cùng chồng là ông Công Thân và những người thân cùng đi đã chọn vùng đất hoang vu ở bên bờ đông sông Hàn để dừng chân và lập làng. Địa điểm ban đầu họ dựng lều trại, vỡ đất là mảnh đất An Trung (thuộc phường An Hải Tây hiện nay).
Từ thưở ban đầu lập ấp, làng An Hải có 6 tộc (gọi chung là “lục lộc tiền hiền”): Trần, Lê, Nguyễn, Đỗ, Ngô, Huỳnh. Sau đó, thêm 6 tộc: Phạm, Phan, Hà, Đặng; và hợp thành “Nhị thập chư phái”. Đứng đầu tiền hiền là bà Hà Thị Thân (hiện có sắc phong được thờ tại đền thờ: “sắc tiền hiền ông Công Thân Hà Thị Thân gia tặng Dực Bảo Trung hưng linh phò tôi thần”). Về sau, các tộc dần dần phát triển nhiều phái, nhánh, như tộc Trần có Trần Văn, Trần Viết, Trần Hữu, Trần Quang…; tộc Huỳnh có Huỳnh Văn, Huỳnh Kim, Huỳnh Đình…Do vậy, làng An Hải hình thành 36 chư phái tộc.
Tại xóm An Trung có một gò đất cao – được gọi là cồn Xã Tắc. Theo truyền khẩu, tại đây Bà Thân đã cho lập bàn thờ Thần Nông. Hằng năm, trước khi vào mùa cấy lúa, Bà Thân cùng các chư phái tộc trong làng tổ chức lễ xuống ruộng; và theo tục lệ của quê cũ, tại đây hằng năm vào ngày mùng Mười tháng Tám âm lịch, Bà Thân và dân làng An Hải tổ chức lễ hội chọi trâu. Vào dịp này, người dân làng An Hải dù đi làm ăn xa bất cứ đâu cũng về tụ hội đông đủ. Sau này, tục chọi trâu không còn nữa, nhưng câu ca dao vẫn được người dân trong làng thỉnh thoảng nhắc đến:
“Dù ai buôn đâu, bán đâu
Mùng mười tháng tám chọi trâu thì về”
Thời gian đầu, làng An Hải chưa có xã hiệu. Đến thời Gia Long mới có tên trong địa bộ, xã An Hải thuộc tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, Đông giáp Mỹ Khê, Phước Tường, Tân An, Tây giáp sông Hàn, Nam giáp Hóa Khuê, Bắc giáp Cổ Mân (ngày nay bao gồm An Hải Đông, An Hải Tây, An Hải Bắc và khu phố An Thượng của phường An Mỹ ngày nay).
Vào năm Tự Đức thứ 27 (1874) dân số của làng An Hải có 24 tráng hạng, 10 binh hạng, 42 viên nhơn, 26 chánh nộp, 4 lão hạng, 11 miễn sai, 2 chức sắc, 5 lão nhiêu, 7 tài triển, 1 thuế binh, 1 người ở ngụ, 1 người bị đày vào Quảng Ngãi làm lính, 5 lão nhiêu liễn Bộ…
Thành công lớn nhất của các tiên dân làng An Hải chính là việc đắp đê ngăn mặn, biến vùng đất nhiễm mặn bên bờ Đông sông Hàn thành những cánh đồng lúa nước An Trung, An Thị, An Thượng màu mỡ.
Ngoài đặc điểm đất rộng, người đông, là trung tâm của 7 xã hữu ngạn sông Hàn, An Hải còn là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, là nơi chôn nhau cắt rốn của Trần Quang Diệu và Nguyễn Văn Thoại.
Đối với quê hương mình, Nguyễn Văn Thoại đã có những quan tâm. Theo yêu cầu của nhân dân các làng An Hải, Mỹ Khê, Hóa Khuê, Mỹ Thị, Phước Trường, Tân An và Nam An, ngày 20 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 8 (1827), ông đã gởi trát về cho các xã trưởng, hương lão, mục dịch trong làng “Mùa đông năm ngoái, trong xã có cho hai người là Lê Văn Trúc và Trần Văn Chiêu đến hầu bái tại đền, trình rằng: các làng xung quanh là Mỹ Khê. Hóa Khuê, Mỹ Thị, Phước Trường, Tân An, Nam An cùng chung với làng An Hải lập thành 7 địa phận 7 xã đến đây lòng muốn họp chợ tại xã An Hải để vừa mở rộng đường tài chính, vừa thắt chặt mối quan hệ láng giềng. Vả lại trước đây, xã có tục lệ họp chợ lâu rồi. Nhưng sau này, xã lớn Hải Châu phá rối, dẫn đến tranh chấp làm cho chợ phải tan. Điều này dân chúng quanh vùng tất thảy đều rõ. Ta đã thuận theo ý muốn ấy và đã truyền cho hai người nói trên trở về xã thuật lại đầy đủ đầu đuôi. Ví như nay tất cả 7 xã đều đồng tình như vậy, thì mỗi xã phái một mục dịch tháp tùng ta, đích thân đến nơi dự định xây chợ để xem xét lại cho rõ, rồi cho thi hành”. (Dẫn theo: Bùi Xuân- Thoại Ngọc Hầu và làng An Hải, tạp chí Non Nước, số 60 tháng Tư năm 2002 trang 70-71).
Năm 1829 Minh Mạng thứ 10, Thoại Ngọc Hầu trở về quê, tổ chức xây lại chợ Hà Thân, trên nền đất cũ, nhưng quy mô lớn hơn, khuôn viên của chợ khá rộng, trong chợ có đình chợ và các khu vực lều quán…
Tự ngàn xưa, yếu tố tâm linh của người dân Việt Nam không thể tách khỏi cuộc sống hằng ngày trong mỗi con người. Ngôi đình làng trở thành thiết chế tín ngưỡng văn hóa ở làng quê. Mỗi làng đều xây dựng một đình làng để có nơi thờ cúng, sinh hoạt văn hóa, hội họp. Phong tục thờ thần là một trong những nét văn hóa tín ngưỡng từ ngàn xưa. Đình làng An Hải cũng như mọi đình khác đã được hình thành trên những yếu tố đó. Dân làng An Hải đã chọn nơi thoáng mát và chung sức đóng góp, xây dựng ngôi đình làng đầu tiên (tại địa điểm ngày nay) nhưng không rõ năm nào. Theo truyền khẩu, ngôi đình ban đầu được xây dựng theo dạng 3 gian 2 chái, mái lợp tranh, vách gỗ, xuyên trính đóng khung được ghép trên hai hàng cột gỗ chạm khắc, sàn nhà cách mặt đất khoảng 2,3m với mục đích phòng chống triều cường lũ lụt…
Vào năm 1827 (năm Minh Mạng thứ 8), hai năm trước khi qua đời, Thoại Ngọc Hầu đã có chuyến về thăm quê hương. Ông đã xây dựng lại hai ngôi mộ của song thân là ông Nguyễn Văn Lượng và bà vợ cả của ông Nguyễn Văn Lượng; và đồng thời họp hương chức trong làng để bàn việc xây dựng chùa, đình và các miếu thờ trong làng. Dựa vào Bia kỷ công của làng An Hải được lập vào năm Quý Sửu (1853) đời vua Tự Đức thứ 6 (Bia hiện đặt tại chùa An Phước) tức là sau khi Nguyễn Văn Thoại qua đời 24 năm sau, nội dung ghi công đức của ông và 15 người dân trong làng đã đóng góp gạch ngói, tiền bạc, đất đai vào việc xây dựng đình, chùa. Trong đó nêu rõ “Nguyễn Văn Thoại đã phụng cúng cho làng chùa, đình các miếu thờ: ngói, gạch, nhà kho các hạng, cùng cho bạc nhà nhà binh 10 nén bạc”. Qua lời khắc trên bia đá này, chúng ta có thể thấy, trong thời gian Nguyễn Văn Thoại về thăm quê, cùng với việc xây dựng chợ Hà Thân, làng An Hải còn tiến hành xây dựng chùa làng, đình làng. Theo cụ Đỗ Trọng Khai (đã qua đời), nhà thờ tiền hiền làng An Hải cũng được xây dựng vào thời gian này…Và tưởng nhớ công lao của Nguyễn Văn Thoại đối với việc phát triển quê hương, nhân dân làng An Hải đã tôn vinh Nguyễn Văn Thoại là hậu hiền của làng.
Đến năm Tự Đức thứ 30 (1877), ngôi đình được trùng tu sửa chữa, với tường xây mái lợp ngói (được biết qua sắc vua Tự Đức ban tặng làng An Hải nhân ngày “Ngũ tuần của nhà vua” đồng thời nhân dịp đình trùng tu lần thứ nhất). Năm 1956 ngôi đình được xây dựng mới hoàn toàn. Năm 1992 trùng tu sửa chữa mới cho đến ngày nay, kinh phí do con cháu trong tộc họ đóng góp.
Trong phong trào Cần Vương, làng An Hải là một trong những địa bàn hoạt động của Nghĩa hội Quảng Nam (1885-1887), đình An Hải trở thành trung tâm chỉ huy của nghĩa quân các xã bờ Đông sông Hàn. Ngày 26-9-1887, khi giặc Pháp áp giải Nguyễn Duy Hiệu (lãnh tụ của phong trào Nghĩa hội) ra đến bến đò Hà Thân, có một thân binh tên là Phan Văn Đạo định giải thoát cho ông nhưng chẳng may bị giặc phát hiện bắt và xử chém ngay tại đình. Để tưởng nhớ gương anh dũng hy sinh của anh hùng họ Phan, người dân An Hải đã tôn ông là: “Nhơn thần nghĩa sĩ” và hằng năm tế giỗ vào ngày 10-8 âm lịch.
Tháng 8-1945, đình làng An Hải là nơi quy tụ của các lực lượng yêu nước, các tổ chức Đảng, Đoàn hội họp và huấn luyện chiến đấu, là điểm tập trung xuất phát tiến hành đấu tranh cướp chính quyền tại xã An Hải, đồng thời là nơi lập chính quyền cách mạng khu Đông.
Tháng 12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đình An Hải trở thành địa điểm hoạt động của cơ sở cách mạng, là nơi cất giấu vũ khí; dùng cây đa trước đình là đài quan sát theo dõi tình hình địch trong các trận càn. Đặc biệt, luôn theo dõi hoạt động của giặc Pháp trong đồn Thông Mười (cách đình 300m về hướng Bắc) để từ đó tổ chức những lần xuất kích chống càn và tiêu diệt địch.
Trong kháng chiến chống Mỹ, đình An Hải là nơi hoạt động bí mật của chính quyền cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, là điểm xuất phát để thực hiện treo băng, cắm cờ đỏ sao vàng trong những ngày lễ lớn. Trong Tổng tiến công Mậu Thân (1968) và chiến dịch Xuân 1975, các lực lượng vũ trang cách mạng đã dùng đình làng để thành lập các bộ phận thông tin tuyên truyền, để kịp thời thông báo và kêu gọi lực lượng địch bỏ hàng ngũ ra đầu hàng chính quyền cách mạng.
4. Loại hình di tích: Căn cứ vào Chương IV điều 28 của Luật Di sản Văn hóa, di tích đình An Hải thuộc di tích Lịch sử- Văn hóa (Lưu niệm sự kiện).
5. Khảo tả di tích:
Đình An Hải được kiến trúc theo dạng 3 gian 2 chái, kiến trúc đơn giản với tường xây mái lợp ngói, có tiền đường hậu tẩm. Đình dài 12,95m, rộng 11,2m. Hậu tẩm xây theo dạng vòm cuốn dài 4,15m rộng 5,14m. Bên trong, đặt bàn thờ chính thờ thần. Tiền đường với cấu trúc hệ thống cột gỗ theo dạng hình vuông, trong đình có 3 hàng cột vuông bằng gỗ mít, mỗi hàng 8 cột; cột cái cao 5m, đường kính (20×20); cột quân cao 4,2m, đường kính (20×20); cột hiên cao 3,7m, đường kính (18×18). Trước tiền đình, hai bên tả, hữu đặt hai bàn thờ Tiền hiền và Hậu hiền. Gian giữa, trên kèo ngang đặt bức hoành phi có 4 chữ “Thiện tục khả phong” (bức hoành này có từ năm Tự Đức thứ 18 (1864). Đối xứng phía trên- ngay cửa ra vào- đặt một bức hoành “Phụng tư thiên bảo”. Gian bên phải, đặt một bức hoành “Đức nhuộm quần sanh”. Gian bên trái, đặt một bức hoành: “Vạn thiên đồng quy”. Đối bên trái phía sau, ở giữa đặt một bức hoành: “Cao minh chính đại”. Trước đặt một bức hoành “Phước đức lưu phương”. Phải đặt một bức hoành “Phước đức quang vinh”. Đối phía trước, ở giữa treo bức hoành: “Phụng tư thiên bảo”, ở bên phải là bức hoành: “Mậu đức trường quang”. Gian giữa hai bên hàng cột treo ba cặp liễn đối.
Từ ngoài vào bên trái:
Hải lưu hoàn vận khí, thanh thanh trầm thủy bất dương ba
Từ ngoài vào bên phải:
An quốc tuyến phong trạc hạo hạo Trà sơn huy thắng cảnh
Từ ngoài vào cột thứ 2 (giữa) bên trái:
Sơn thanh vũ lộ thiên thu mậu tú địa hưng long
Từ ngoài vào cột thứ 2 (giữa) bên phải:
Hải quế tinh huy vạn cổ trường tồn Thiên vĩnh thọ
Từ ngoài vào bên phải ngoài cùng:
Đức độ quân sinh vũ lộ bách tùng hàm cổ sắc
Chiều dài từ sân đình đến bình phong dài 21m rộng 21,5m, bình phong với 2 trụ biểu cao 2,5m, rộng 4,4m trước đắp hình Hổ, sau hình con lân được ghép bằng các mảnh sành sứ. Bên ngoài đình, trên mái giữa đắp “Lưỡng long tranh châu”, đuôi mái hình con dơi. Mái dưới, đuôi mái đắp hình con nghê, hai bên xây 2 gác chuông, bên trong gác chuông có đặt một viên trân châu.
6. Các hiện vật trong di tích: Hiện nay đình làng An Hải còn lại một số di vật:
– 01 Sắc thời Tự Đức thứ 30 (1877) còn nguyên dạng tốt.
– 02 Sắc thời Đồng Khánh thứ 2 (1887) còn nguyên dạng tốt.
– 01 Sắc thời Duy Tân nguyên niên (1907) còn nguyên dạng tốt.
– 01 Hoành phi bằng gỗ “Thiện tục khả phong” có từ thời Tự Đức thứ 18 (1864).
– 03 Cặp câu đối.
– 08 Bức hoành do các xã bạn tặng.
7. Các hình thức sinh hoạt văn hóa, lễ hội: Thông lệ, hằng năm tại đình làng thường diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội:
– Ngày 2-3 âm lịch, ngày giỗ tiền hiền.
– Ngày 10-3 âm lịch, tế Xuân cầu an, tổ chức tại đình và các miếu tại 11 xóm trong làng.
– Ngày 6-6 âm lịch, giỗ hậu hiền, đồng thời kỷ niệm ngày mất danh nhân Khâm sai thống chế Thoại Ngọc Hầu.
– Ngày 10-8 âm lịch, Thu tế cầu an tưởng nhớ anh hùng liệt sỹ.
8. Giá trị lịch sử- khoa học- nghệ thuật- văn hóa
Ngày nay, đình An Hải là một trong những di tích lịch sử văn hóa có giá trị của thành phố Đà Nẵng, có bề dày truyền thống đấu tranh trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Làng An Hải Tây, vùng đất ven sông, từ xưa là mảnh đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa. Đây là quê hương của Trần Quang Diệu – một danh tướng của vua Quang Trung- Nguyễn Huệ, và Khâm sai thống chế Thoại Ngọc Hầu- người có công lớn đối với đất nước trong công cuộc khai phá miền đất Hậu Giang, và đặc biệt đối với quê hương mình ông đã có những cống hiến to lớn góp công, góp của xây dựng nên chợ Hà Thân, đình làng An Hải ngày nay.
Được xây dựng vào những năm đầu của thế kỷ XIX, hiện nay tại đình còn lưu giữ 04 sắc phong, những sắc này từ năm Tự Đức thứ 30 (1877), Đồng Khánh thứ 2 (1887). Bức hoành “Thiện tục khả phong” được vua Tự Đức ban tặng vào năm 1864 vì những phong tục tập quán tốt đẹp của người dân làng An Hải lúc bấy giờ. Đây là những tư liệu Hán Nôm rất quý hiếm, qua đó giúp chúng ta biết được lịch sử hình thành của địa phương mình. Trải qua nhiều lần sửa chữa tôn tạo, ngôi đình còn giữ lại những yếu tố gốc của buổi ban đầu, nét kiến trúc truyền thống dân gian của những năm đầu thế kỷ XIX. Trong lịch sử đấu tranh cách mạng, ngôi đình đã ghi dấu gương hy sinh anh dũng của nghĩa sỹ Phan Văn Đạo, hoạt động trong phong trào Cần Vương. Tiếp bước truyền thống cha ông, từ Cách mạng tháng 8- 1945 đến chiến dịch Xuân 1975, đình An Hải là nơi tập hợp các lực lượng yêu nước, thành lập chính quyền cách mạng, là nơi xuất phát, để thực hiện công tác treo băng rôn, cắm cờ đỏ sao vàng; các lực lượng vũ trang cách mạng đã sử dụng đình để kêu gọi và vận động nhân dân nổi dậy khởi nghĩa cướp chính quyền, góp phần cùng nhân dân thành phố Đà Nẵng và cả nước giành thắng lợi vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, đem lại độc lập tự do cho mọi người.
9. Tình trạng bảo quản của di tích:
Di tích đình An Hải từ khi xây dựng cho đến nay đã qua nhiều lần trùng tu sửa chữa.. Từ lần sửa chữa đầu tiên, vào năm 1827 Thống chế Thoại Ngọc Hầu đã đứng ra xây mới lại toàn bộ ngôi đình, tường xây mái lợp ngói với đường nét kiến trúc cổ truyền vào những năm đầu thế kỷ thứ XIX… Đến năm Tự Đức thứ 30 (1877) ngôi đình lại được trùng tu, sửa chữa với đồ án trang trí quy mô hoàn thiện hơn… Năm 1956 và 1992 được sự đóng góp của con cháu trong các tộc họ, đình An Hải đã được tu bổ, làm mới lại hoàn toàn cho đến ngày nay. Qua những lần sửa chữa đó, không vì thế làm mất đi yếu tố gốc vốn có ban đầu của ngôi đình.
Ngày nay, đình An Hải đã được các cụ trong ban khánh tiết đình làng thờ tự, quản lý.
10. Các phương án bảo vệ, sử dụng di tích:
Để bảo vệ và phát huy giá trị vốn có của di tích đình An Hải, nâng cao nét đẹp truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng trong lòng mỗi người dân, nếu có điều kiện đề nghị ban khánh tiết đình làng phục hồi các lễ hội đã có từ xưa, đồng thời duy trì phát huy tổ chức lễ hội đình làng hàng năm, nhằm giáo dục thế hệ trẻ.
Đề nghị chuyển dịch bia di tích sang một bên vì hiện nay bia được gắn làm che khuất bình phong của đình.
Cần có kế hoạch bảo vệ và gìn giữ số di vật còn lại trong đình (04 sắc phong và bức hoành thời Tự Đức). Đây là nguồn tư liệu Hán Nôm rất quý hiếm, giúp chúng ta tìm hiểu được sự hình thành của lịch sử địa phương mình.
- Cơ sở pháp lý bảo vệ di tích:
Xét về mặt ý nghĩa lịch sử, giá trị nghệ thuật của di tích, căn cứ vào điều 30 chương IV của Luật Di sản Văn hóa, đình An Hải có đủ điều kiện để được công nhận di tích cấp thành phố. Bảo tàng Đà Nẵng kính đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố ra quyết định công nhận di tích, để có cơ sở pháp lý cho việc quy hoạch và bảo vệ di tích ngày càng tốt hơn.
Viết theo lời kể của ông Nguyễn Văn Báu, Huỳnh Đình Ký, Lê Đức Ngọ và dựa theo Lịch sử Đảng bộ phường An Hải Tây.